Vừa dọn phòng và sắp xếp đồ đạc hôm chủ nhật tuần trước, bây giờ, khi nhìn vào phòng ta đã thấy thoải mái hơn hẳn. Thực sự có cảm giác là phòng của mình hơn rồi! Trong không khí "mới" của tất cả mọi thứ đó, ta bắt đầu đọc "Rừng Na Uy"
Rừng Na Uy
Các nét chữ không liên quan đến nhau, không dính vào nhau như bình thường. Cách ta viết tên truyện có lẽ là cách tốt nhất để bày tỏ cảm xúc của mình sau khi đọc cuốn tiểu thuyết này.
Truyện lôi cuốn ta ngay từ đoạn đầu, với người đàn ông ngồi trên máy bay và cơn đau đầu lạ lùng của ông. Những hồi ức của ông và cách ông nhớ về chúng rất đặc biệt, ào ào như thác đổ rồi lại từng chút, từng chút một, nhỏ nhặt, vụn vặt. Ngay từ đầu, ta đã giật mình vì nghĩ nếu sau này mình cũng như vậy thì sao. Nếu mình cũng quên hết những gì cần nhớ thì sao?
Đó là phần mở đầu. Mở đầu chơi vơi, kết truyện cũng thật xứng với khi bắt đầu: cũng gây cho người ta cảm giác khó hiểu, lâng lâng thấy như thiếu một cái gì đó và tự hỏi xem liệu mình có vô tình bỏ lỡ chi tiết nào trong truyện không.
Cũng như Minh, ta không cảm thấy yêu quý nhân vật nào đặc biệt cả. Cũng như khi ta đọc "Ruồi trâu", ta dành cảm tình với lối viết, những chi tiết, không gian, tình huống hơn là yêu bất kì nhân vật nào. Nhưng "Rừng Na Uy" khác "Ruồi trâu" ở một điểm: xưng hô của nhân vật chính. Watanabe xưng "tôi" và "tôi" chỉ biết những chuyện mà "tôi" trải nghiệm mà thôi. "Tôi chỉ biết tâm tư tình cảm của mình "tôi". Đọc "Rừng Na Uy", ta không cảm giác như mình đang đọc truyện mà là đang đọc hồi kí của một chàng trai người Nhật sống giữa thế kỉ trước. Đọc hồi kí của Watanabe, nhiều lúc ta cảm thấy mình bị hút vào trong mê cung của nội tâm nhân vật này và thú thực, ta cảm thấy Watanabe và ta giống nhau thật đấy! Ta nhìn thấy mình trong Watanabe những lúc hắn ở một mình. Cả hai đều tận hưởng cảm giác đó, đều muốn, thích ở một mình và lười giao tiếp với người lạ, nhưng đôi lúc lại thèm hơi người. Mỗi khi cảm thấy căng thẳng tột độ, ta và hắn đều tìm đến những con đường, cứ đi, đi đã rồi tính. Cả ta và hắn đều không ngừng suy nghĩ về mọi chuyện... Có lẽ, nếu bắt buộc phải chọn thì Watanabe Toru sẽ là nhân vật ta chú ý nhất (lẽ dĩ nhiên thôi, nhân vật chính mà).
Hình ảnh đẹp nhất ở trong truyện với ta là thân hình Naoko dưới ánh trăng ấy. Ta có thể mường tượng rõ từng đường nét, từng chỗ sáng, tối, ánh trăng vàng chiếu rọi lên tâm thân ấy, như đang bao bọc lấy một toà thiên nhiên bằng thứ vải kì diệu.
Khoảnh khắc mà ta thấy sốc nhất chắc chắn là lúc Reiko bị con bé 13 tuổi "bắt nạt". Ai mà tin được cơ chứ! Lúc đó, một sự ghê tởm, ớn lạnh xuất hiện làm ta rùng mình.
Và ta cũng ấn tượng với những bức thư Watanabe gửi đến mọi người, đặc biệt là tới Naoko. Cứ viết rồi gửi, chăm chỉ hàng tuần, mà càng về cuối càng không được trả lời. Điều này gợi đến quan hệ của ta và mi. Ta cứ viết, cứ gửi và mi sẽ đọc, có thể sẽ trả lời, nhưng những bức thư trả lời chắc sẽ không bao giờ chạm đến ta vì khi ấy, ta sẽ không còn nữa. Cũng như khi mi viết gửi cho "mi" của mi thì khi "mi" ấy trả lời, mi cũng sẽ không còn.
Do viết là viết nhật kí nên xưng hô hơi bị đặc biệt, một số chỗ riêng tư hơi khó hiểu.